Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Chọn trộm công nghệ cao làm ’công bộc’ chống tham nhũng?



Lắm khi bức xúc, không ít người đã không thể ngăn mình bật lên câu hỏi liệu các vị công chức, các nhà quản lý bây giờ có còn là 'công bộc' của nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng răn dạy? Hay giờ cứ làm 'quan' là leo lên đè đầu cưỡi cổ dân, làm cha, làm mẹ thiên hạ?

Vì vậy, thiết nghĩ, ngay từ khâu tuyển chọn công chức, chọn lựa cán bộ nguồn, hay thậm chí là chọn những lãnh đạo cao cấp, chúng ta cũng cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng những người phù hợp. Họ không chỉ có đủ năng lực hoàn thành công việc của mình mà còn cần có thái độ phù hợp, có thể thực hiện tốt vai trò công bộc nhân dân.

Trong thời gian gần đây, khi những vụ trộm tiền qua tài khoản đang khiến dư luận xôn xao, lo lắng bởi các thủ đoạn của kẻ lừa đảo bây giờ ngày càng tinh vi, biết lợi dụng những kẽ hở của các dịch vụ được xây dựng nhằm tạo ra sự tiện lợi tối đa cho khách hàng để 'chôm chỉa' số tiền lớn trong thời gian rất ngắn thì lại nảy ra trong đầu một kế hoạch khá thú vị.

Hoàn toàn có thể lựa chọn những tên trộm trong các vụ cướp sim, trộm tiền gần đây vào lực lượng chống tham nhũng của nước ta, để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn (Ảnhminh họa: Dân Trí)


Những kẻ gian trong các vụ cướp sim, trộm tiền kia chắc chắn sẽ bị bắt nhanh thôi, bởi một khi các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an đã ra tay thì chỉ có mà 'gạo xay thành cám'. Nhưng thay vì phạt tù những kẻ trộm công nghệ cao ấy, chúng ta hoàn toàn có thể tiến hành hợp tác với họ để họ trở thành 'công bộc' phục vụ cho các mục đích xây dựng và phát triển đất nước.

Mọi người đang cho rằng đây là chuyện vớ vẩn? Việt Nam có hẳn một đội ngũ trên 9.000 giáo sư và phó giáo sư, hàng trăm ngàn tiến sĩ và thạc sĩ, đấy là chưa kể mỗi năm có hàng trăm nghìn cử nhân tốt nghiệp đại học, cao đẳng... Vậy thiếu gì người làm việc mà phải đi tuyển chọn mấy tên tội phạm về làm?

Vấn đề là chúng ta đang ưu tiên hiệu quả công việc chứ không xét nét bằng cấp hay con người. Chúng ta có nhiều tiến sĩ nhất Đông Nam Á, nhiều nhà khoa học trở thành chuyên gia hàng đầu ở các viện nghiên cứu. Nhưng từ năm 2006 – 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế, trong khi đó, năm 2011, chúng ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Và cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn được xếp vào khu vực chậm phát triển.

Chính vì vậy chẳng có lý do gì không lựa chọn những người có năng lực thực sự, đã được kiểm chứng trên thực tế như vậy cho những công việc phù hợp, chẳng hạn như đi chống tham nhũng.

Có một thực tế là thời gian gần đây các cơ quan chức năng đảm nhận nhiệm vụ phòng chống tham nhũng ở nước ta đang rất đau đầu, mệt mỏi bởi không thể phát hiện tham nhũng thông qua biện pháp kê khai tài sản. Ngay cả Phó Cục trưởng Cục PCTN Phí Ngọc Tuyển cũng đã thừa nhận: "Qua thực tiễn thực hiện, nhiều ý kiến đánh giá việc kê khai tài sản thu nhập như hiện nay còn hình thức... Đúng là từ 2007 đến nay, nếu nói thông qua biện pháp kê khai tài sản mà phát hiện cán bộ tham nhũng thì chưa có trường hợp nào...".

Vì vậy, lựa chọn những kẻ chủ mưu trong các vụ cướp sim, trộm tiền hoàn toàn có thể là kế hoạch hoàn hảo để phát hiện và chống tham nhũng, bởi họ thừa khả năng và sự tinh vi để phát hiện quan chức Việt Nam tham nhũng như thế nào.

Chỉ cần qua vài thủ thuật trên máy tính họ có thể nhanh chóng phát hiện các giao dịch khổng lồ, các tài khoản ngân hàng trong và ngoài nước hay tài sản của quan chức và người thân. Và công cuộc chống tham nhũng của nước ta cũng hoàn toàn có thể theo đó mà trở nên dễ dàng hơn.

Từ trường hợp trên chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng ra để lựa chọn những lâm tặc giỏi về chống phá rừng, ăn trộm khét tiếng về làm dân phòng chống trộm...

Việc tuyển lựa nhân viên này thậm chí còn là hành động 'nhất cử đại tiện' bởi một khi họ đã bận rộn với những công việc mà Nhà nước giao phó sẽ không con thời gian đi chôm chỉa của ai nữa. Bên cạnh đó, hành động này cũng là để thể hiện chính sách khoan hồng của nước ta, có thể tạo điều kiện để bất cứ ai, kể cả kẻ trộm cũng có thể đóng góp cho sự vững mạnh của đất nước.

Và quan trọng nhất là với xuất phát điểm là người dân, lại mang trong mình những mặc cảm nhất định, những cán bộ chống tham nhũng ấy kể cả khi tiếp xúc trực tiếp với người dân cũng sẽ không có thái độ hạch sách, gây khó chịu, đảm bảo hoàn thành tốt vai trò 'công bộc' của nhân dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét