Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

"Nếu làm nửa vời, xã hội sẽ không còn đủ “kháng sinh” chống tham nhũng…"

Ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Lâu nay, những phát hiện ra tham nhũng chủ yếu là từ dư luận và tiếng nói của báo chí, chứ chính bản thân đơn vị, tổ chức có người tham nhũng có phát hiện ra đâu. Người dân biết hết chứ, nhưng chẳng thấy ai làm gì và điều đó khiến họ bị xói mòn lòng tin. Chúng ta có các tổ chức đảng, đoàn thể xuống đến tận cấp cơ sở và nơi cư trú, nhưng vì sao họ lại không thể thấy điều mà người dân thấy?” - ông nói.

- Chống tham nhũng đang là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhưng những công bố gần đây cho thấy, thực trạng tham nhũng tiếp tục tăng lên, trong lúc lòng tin của người dân với cuộc chiến chống nạn “nội xâm” giảm xuống. Bình luận của ông?

- Trước hết, phải thừa nhận rằng Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, có nhiều chủ trương, pháp luật và biện pháp phòng, chống tham nhũng. Tuy vậy, quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều trở lực với kết quả và hiệu quả chưa như mong muốn. Mọi người đều nhận thức được là tình hình tham nhũng hiện nay đang rất phức tạp, ngày càng phổ biến hơn, tinh vi hơn và thậm chí có vụ việc còn trắng trợn hơn ở nhiều lĩnh vực.

Sự giảm sút lòng tin của người dân đã bộc lộ rằng cuộc chiến chống tham nhũng mà chính quyền đang tiến hành đã không đáp ứng được những kỳ vọng, tin cậy của dân chúng trên thực tế. Nếu tình hình tham nhũng cứ diễn biến như thế này, đây sẽ là một tín hiệu vô cùng đáng quan ngại.

Chúng ta đều hiểu các quyết sách, chính sách của Đảng và Nhà nước có được triển khai vào thực tế một cách hiệu quả hay không đều phải dựa vào nguồn lực là nhân dân. Vì vậy, những hiệu quả chậm chạp, lừng khừng của các quyết sách chống tham nhũng cũng kéo theo hậu quả là khả năng phát huy sức mạnh của người dân trong việc phòng, chống tham nhũng giảm sút. Kết quả khảo cứu của nhiều tổ chức, từ dự án về vai trò của các cơ quan công quyền với cuộc chiến chống tham nhũng đến phong vũ biểu tham nhũng của Tổ chức Minh bạch thế giới gần đây đều cho thấy điều này.

Một chỉ số khác cũng đáng quan tâm là sự sẵn sàng của người dân vào cuộc chống nạn “nội xâm” tham nhũng cũng giảm xuống. Điều này không có nghĩa người dân đồng tình với tham nhũng, mà là do hiệu quả chống tham nhũng thấp nên không tạo cho họ được một cái thế chống tham nhũng. Họ trở nên yếu thế nếu phản đối đòi hỏi “lót tay” từ các cơ quan công quyền hay dịch vụ công, ngay cả khi biết rõ quyền của dân là được hưởng tất cả các dịch vụ này. Không ai dám cưỡng lại một xu thế chung cả. Đây là một tín hiệu đáng buồn.

- Ông có thể lý giải cụ thể về việc tham nhũng ngày càng trắng trợn hơn?

- Tham nhũng tại Việt Nam đang xảy ra từ trên cao cho đến cấp thấp nhất. Nó đụng đến vấn đề hiện nay của Việt Nam là lạm dụng quyền lực và kiểm soát quyền lực.

Văn hóa Việt rất coi trọng sự cảm ơn nhau, hay có đi có lại; nhưng nếu biến tướng chuyện “cảm ơn” thì nó sẽ thành hối lộ. Ranh giới này rất mong manh. Điều quan trọng là phải làm sao để người dân hiểu họ có quyền được hưởng các dịch vụ công đã được quy định, mà không cần phải đau đầu nghĩ đến khái niệm “đầu tiên” phải là “phong bì cảm ơn”. Còn nếu mới chỉ vừa nghĩ cần đến cơ quan công quyền để làm việc này, việc kia mà đã phải tính xem cái “đầu tiên” đó là bao nhiêu thì không ổn.

- Bản thân ông đã từng bao giờ bị rắc rối bởi tình trạng tham nhũng chưa?

- Tôi tin rằng người dân Việt Nam nào cũng từng bị hành bởi tình trạng tham nhũng vặt và chứng kiến thực trạng tham nhũng ở nhiều lĩnh vực hiện nay. Ai cũng đều tỏ ra bức xúc, không ai muốn thờ ơ cho qua, tôi và nhiều người khi vấp phải vấn đề này thì có những sự việc tôi đấu tranh trở lại để làm rõ quyền của mình, nhưng cũng có những việc tôi buộc phải xuôi theo vì biết rằng không thể cưỡng lại được... Đây là điều rất phổ biến trong xã hội hiện nay.

Chẳng hạn, lực lượng cảnh sát lẽ ra phải là nơi bảo vệ niềm tin của người dân vào sự trong sạch của xã hội, nhưng theo phong vũ biểu tham nhũng mới được Tổ chức Minh bạch thế giới công bố, lĩnh vực này lại là một trong những nơi dễ xảy ra tham nhũng nhất. Các doanh nghiệp muốn được việc phải ''bôi trơn'', với nhiều mức độ khác nhau. Nó tạo ra một quan hệ phức tạp và nếu như chúng ta cứ để nó xảy ra với tốc độ lan tràn hiện nay, xã hội sẽ không còn đủ sự kiêng kỵ hay “kháng sinh” chống tham nhũng.

- Có những ý kiến nói rằng, chính người dân cũng đang khích lệ tham nhũng khi mặc nhiên cho rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”?

- Tôi nghĩ truyền thống người Việt không hẳn như thế. Không ai muốn cứ phải hối lộ để được thực hiện các quyền của mình cả. Vấn đề là lòng tin đã bị sụt giảm rồi, thì họ buộc phải tự vệ cho mình bằng cách xuôi theo chiều. Khi tham nhũng cứ tràn lan và nhũng nhiễu mọi nơi, nó sẽ buộc người dân phải tính thiệt, hơn. Cuộc chiến chống tham nhũng chưa đạt được hiệu quả đến mức khiến người dân tin cậy và dám đấu tranh để bảo vệ các quyền chính đáng của mình mà không phải hối lộ, ''bôi trơn''.

Đôi khi, người dân cảm thấy họ có muốn chống tham nhũng cũng chẳng đi đến kết quả gì và họ nản lòng. Đơn cử là việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải nói có đến 1/3 số công chức ngồi chơi xơi nước. Vậy tại sao chính quyền các cấp, các ngành, thủ trưởng các cơ quan lại không rà soát và cùng giải quyết? Điều rất khó hiểu là lương cơ bản thì thấp, không đủ sống, nhưng trên thực tế nhiều công chức vẫn có mức sống khá giả nhờ thu nhập ngoài lương, dù đó vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước, hoặc họ sẽ phải hành dân để kiếm thêm thu nhập bên ngoài. Đó là tiền đề cho tham nhũng.

- Có nghĩa Việt Nam đang thiếu cơ chế chống tham nhũng hiệu quả, hay đã có cơ chế nhưng thiếu quyết tâm đi đến cùng, thưa ông?

- Tôi nghĩ cơ chế cũng là do con người đặt ra. Nếu quyết tâm làm cái gì thì cần phải làm đến cùng để tạo được niềm tin cho người dân, cho xã hội. Còn nếu chỉ để cam kết thì dễ lắm. Tình hình tham nhũng ai cũng biết đang ngày càng tinh vi và trầm trọng thêm. Nhưng những vụ tham nhũng được xử lý chẳng đáng là bao, mà chủ yếu chỉ là “kiểm điểm, thuyên chuyển công tác”.

Đồng chí lãnh đạo nào cũng nói ngành mình vẫn còn vấn đề tiêu cực, nhưng lại tránh nêu cụ thể đó là ai, tham nhũng như thế nào. Có nghĩa biết mà không dám làm, hoặc không làm được. Gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng phải thốt lên: “Đút lót, tiêu cực, nhưng có bắt được, xử được mấy đâu...!” Là phản ánh những bức xúc của nhân dân.

Nếu đúng lý, bản thân người đứng đầu một cơ quan, tổ chức phải phát hiện ra đầu tiên dấu hiệu tham nhũng, hối lộ của cán bộ, chứ không thể cứ để mặc cho dư luận ỳ xèo hay đến khi báo chí vào cuộc thì mới “à, ừ”. Đó là lý do mà người ta hay nói “chỗ nào chả có tham nhũng, chỉ có điều chưa bị lộ thôi” và nó khiến lòng tin của người dân càng xuống thấp.

Tình trạng kiểm soát của các cơ quan, đơn vị đối với hành vi tham nhũng chưa trở thành một vấn đề bắt buộc. Các nhà lãnh đạo của Đảng cũng đã thừa nhận “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức và lối sống”, nhưng từng chi bộ lại không phát hiện được ra đó là ai, biến chất cụ thể như thế nào? Điều này khiến tham nhũng giống như “ngáo ộp”, ai cũng hình dung ra nó đáng sợ như thế nào, nhưng lại chẳng thể chỉ ra gương mặt cụ thể của nó.

- Từ quan điểm của ông, đâu là giải pháp để tạo ra được một bức tường lửa hữu hiệu nhằm ngăn chặn cơn nội xâm tham nhũng?

- Chúng ta cũng từng xử lý thành công một số vụ tham nhũng, nhưng hiệu quả không đồng đều. Không có động lực nào lớn nào bằng việc xử lý đúng người, đúng việc. Đây là điều chính quyền không thể trông chờ ai làm hộ. Chúng ta đã có chủ trương chống tham nhũng; nhưng nếu chỉ nói mà làm nửa vời, thì mọi việc sẽ ngày càng trì trệ.

Việc giàu có nhanh chóng của một cán bộ hay một vị lãnh đạo nào đó là điều rất dễ phát hiện, vì dù là ai họ cũng phải sống trong cộng đồng dân cư. Tai mắt của nhân dân ở khắp nơi, có điều là ta có muốn quyết tâm xử lý hay không. Chính quyền có thể thành lập cơ quan này, cơ quan kia chống tham nhũng, nhưng nếu không thể phát hiện và xử lý các vụ việc cụ thể, thì các cam kết đó cũng vẫn chỉ là bề mặt.

Chúng ta phải chống tham nhũng trên mọi bình diện, cả các vụ tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Tham nhũng vặt nguy hiểm ở chỗ nó phổ biến, dễ lan rộng và dần dần tạo cho người dân thói quen thờ ơ, hay coi nhẹ các biểu hiện tham nhũng. Trong lúc đó, tham nhũng lớn đụng chạm đến lợi ích quốc gia, lợi ích của nền kinh tế. Nếu chỉ tập trung vào xử lý các vụ tham nhũng lớn mà để mặc tham nhũng vặt thì cũng rất nguy hiểm. Bởi tham nhũng vặt tràn lan sẽ triệt tiêu thói quen chống tham nhũng của người dân, thì làm gì còn ai dũng cảm đối đầu với các vụ tham nhũng lớn nữa.

- Xin cảm ơn ông!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét